Những năm qua, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hiệu quả của công tác XKLĐ đã góp phần giải quyết việc làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Những ngày đầu năm 2023, chúng tôi có dịp trở lại xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch) một trong những xã đi đầu của tỉnh Vĩnh Phúc về công tác đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cảm nhận đầu tiên là làng quê nghèo ngày nào đã có sự thay da đổi thịt; đường sá thông thoáng, phẳng phiu; những nhà lá tạm bợ đã được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang; dọc hai bên bờ sông Lô tấp nập cảnh thuyền bè đi lại, trên bờ hàng trăm chiếc thuyền đang chờ ngày được xuất xưởng.
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết, sự khá giả này là nhờ XKLĐ. Năm 2006, khi làn sóng XKLĐ thổi tới Sơn Đông, lác đác có vài người trong xã tìm đường sang Đài Loan giúp việc gia đình. Người đi trước rước người đi sau tạo thành phong trào XKLĐ trong xã, góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Đến nay, cả xã có gần 200 người ra nước ngoài làm việc. Thôn, xóm nào của xã cũng có người đi XKLĐ, có nhà có đến 4 người cùng đi XKLĐ.
Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tìm đến gia đình anh Hoàng Thanh Sơn, thôn Đẽn, xã Sơn Đông vừa hết hợp đồng trở về nước được 4 tháng. Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, anh Sơn chia sẻ: "Gia đình anh thuộc hộ nghèo nhất xã, nhà tranh vách lá, thiếu ăn là chuyện thường ngày. Năm 2006, khi phong trào XKLĐ phát triển, cha mẹ vay mượn cho anh trai của anh đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Một thời gian sau, anh trai anh gửi tiền về trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình, từ đó gia đình anh đã thoát nghèo và có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đến năm 2008, anh trai anh bảo lãnh cho anh sang Hàn Quốc làm việc".
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt, đưa tay chỉ về con tàu đang trong khâu hoàn thiện, anh Sơn nói: “Số tiền mình nghĩ làm cả đời ở nhà chưa chắc đã có được. Với số vốn trong tay, mình xây được ngôi nhà, còn lại đầu tư đóng tàu để khai thác cát sỏi, tự tạo công việc cho mình và bạn bè trong xã”.
Câu chuyện xuất ngoại trở nên sôi nổi khi có sự xen vào của bác Trần Văn Toàn cùng xóm với anh Sơn. Bác Toàn hồ hởi: "Gia đình bác là một trong những hộ tiên phong ở xã với phong trào xuất ngoại làm giàu. Người con trai thứ hai của bác hiện đang làm công nhân cơ khí bên Đài Loan, đến nay đã được 11 năm. Sau mỗi lần hết hạn hợp đồng, các con của bác về nước làm lại hồ sơ, hộ chiếu để sang Đài Loan tiếp tục làm việc. Ngoài lương gần 20 triệu đồng/tháng, còn có tiền thưởng, tiền làm thêm giờ. Số tiền các con gửi về, bác sẽ đầu tư cho việc kinh doanh, buôn bán sau khi các con về nước”.
Từ khi có làn sóng đi XKLĐ sang các nước đến nay, nhiều gia đình ở Sơn Đông trở nên khá giả, có điều kiện để phát triển kinh tế. Nhờ đó, số hộ nghèo của xã giảm còn 3,2 %, thu nhập bình quân tăng lên 23,3 triệu/người/năm. XKLĐ không những đem lại nguồn thu lớn để các hộ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, mà còn có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân đi XKLĐ.
Gia đình ông Cao Đắc Tí ở xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là một điển hình cho việc thoát nghèo nhờ XKLĐ. “Con trai tôi đi làm việc ở Đài Loan từ năm 2012. Từ đó đến nay, cháu đã gửi về giúp đỡ gia đình hơn 200 triệu đồng, nhờ vậy gia đình tôi có điều kiện trả nợ ngân hàng, có vốn làm ăn…”, ông Tí hồ hởi khoe với chúng tôi.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Tường cho biết: Không riêng xã Ngũ Kiên mà các xã khác trên địa bàn huyện cũng đều làm rất tốt công tác XKLĐ. Hiện huyện Vĩnh Tường đang đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc về đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ năm 2023 đến nay, huyện Vĩnh Tường đã có 491 người xuất cảnh lao động, chủ yếu ở các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc… Để khuyến khích người dân đăng ký đi XKLĐ, ngoài việc tích cực vận động nhân dân về các chính sách hỗ trợ, mức lương ở các thị trường, huyện Vĩnh Tường đã vay vốn trong Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh để hỗ trợ người lao động làm hồ sơ đi XKLĐ.
Năm 2014, bằng nhiều chính sách và nỗ lực, Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động; trong đó, có hơn 2.000 người đi XKLĐ. Để các đối tượng có nhu cầu đi XKLĐ, nhất là các đối tượng hộ nghèo, chính sách được tiếp cận, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, tiền ăn, ở, chi phí đi lại và thủ tục, hộ chiếu… Nhằm khắc phục những rủi ro và đảm bảo quyền lợi cho người đi XKLĐ, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định chọn 4 đơn vị là những doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực dịch vụ XKLĐ, trực tiếp tuyển lao động. Các công ty sẽ phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền thông tin về thị trường lao động, các chế độ, chi phí xuất cảnh, thủ tục, hồ sơ…
Những năm qua, nhờ có XKLĐ, bộ mặt làng quê của Vĩnh Phúc đang dần được đổi thay, cuộc sống người dân ngày càng phát triển ổn định hơn…
Theo Thanhtra.com.vn
TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN 24/7
Bạn có thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ với cán bộ tư vấn
Hỗ trợ tư vấn 24/7 qua: Call, Message, Zalo, SMS
Nếu không tiện nói chuyện qua điện thoại hoặc nhắn tin ngay lúc này, bạn có thể YÊU CẦU GỌI LẠI bằng việc nhập số điện thoại vào form bên dưới để được cán bộ tư vấn của công ty liên lạc hỗ trợ.