Câu chuyện người vợ trong gia đình ở nông thôn Việt Nam đi xuất khẩu lao động, để chồng con ở nhà đã không còn là câu chuyện hiếm thấy trong những năm gần đây ở Việt Nam. Vì để kiếm một công việc tốt hơn, có thu nhập khá hơn để có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình và con cái, nhiều phụ nữ Việt đã chấp nhận rời xa tổ ấm thân yêu để đi xuất khẩu lao động.
Mới đây, tờ AP của Mỹ đã đưa tin về tình trạng phụ nữ Việt Nam đua nhau di cư ra nước ngoài để tìm kiếm việc làm, để lại sau đó là những người chồng, phải đảm nhận cả vai trò làm cha, làm mẹ.
9 năm trước, khi vợ theo đường xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm giúp việc, anh Pham Duc Viet (đến từ Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình) phải ở nhà chăm lo mọi công việc đồng áng, nuôi dưỡng con cái và gắn bó với nghề thợ mộc tại quê nhà.
Giờ đây, hàng trăm phụ nữ tại làng quê nghèo cũng rời làng Vũ Hội để kiếm được công việc với mức thu nhập cao hơn tại Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Suốt nhiều năm làm việc ở nước ngoài, số tiền những người phụ nữ này kiếm được sẽ được gửi về quê nhà, giúp chồng và con cái trang trải mọi sinh hoạt.
Cũng gắn bó với Đài Loan được nhiều năm, số tiền mà vợ ông Viet kiếm được đủ để chi trả học phí cho 2 con và còn dư dả để mở thêm 1 xưởng mộc bên cạnh nhà.
"Không có gì là to tát lắm. Tôi sẵn sàng hy sinh để con cái tôi có cuộc sống tươi đẹp hơn", ông Viet chia sẻ.
Cũng nằm trong xu hướng của các nước châu Á như Philippines, Sri Lanka với 2/3 tổng số người lao động rời khỏi đất nước là phụ nữ, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam đổ xô ra nước ngoài kiếm tiền. Theo thống kê của Tổ chức Liên hợp quốc, phụ nữ chiếm 1/3 số người lao động ra nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2011.
Làm người giúp việc hay y tá ở nước ngoài giúp phụ nữ kiếm nhiều tiền hơn đàn ông làm việc chân tay như xây dựng hoặc nông nghiệp.
Xu hướng phụ nữ đi xuất khẩu lao động tạo ra định nghĩa về "những ông bố gia đình", mà trong đó, họ phải làm việc nhà và chăm sóc con cái.
Ngoài những mặt tích cực mà xu hướng này mang lại, nó cũng gây ra một số những vấn đề xã hội như tệ nạn ma túy, nghiện cờ bạc, rượu chè, mại dâm dần len lỏi vào cuộc sống của chính "những ông bố gia đình" này.
Khi được phỏng vấn, một số nam giới tại làng Vũ Hội và Vũ Tiến cho rằng hiện trạng đó chỉ được phản ánh đúng một phần bởi hầu hết những người đàn ông ở quê đều sẵn sàng làm thêm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều người khẳng định nấu cơm quả thực là một thử thách nhưng không phải không thể vượt qua.
Vu Duc Hang, cha của 2 con, cho biết "Trong những gia đình như của chúng tôi, bữa tối thường rất đơn giản".
Trong một số nghiên cứu về các "ông bố gia đình", các chuyên gia cho biết ảnh hưởng tâm lý và xã hội của việc phụ nữ xuất khẩu lao động ở các nước châu Á còn chưa rõ ràng.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra khi phụ nữ di cư lao động, những người họ hàng nữ cũng sẽ đảm nhận trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, một khảo sát vào năm 2008 cho thấy, trong số 1.100 phụ nữ xuất khẩu lao động tại Việt Nam và Indonesia, có tới 2/3 trong tổng số ông chồng đã tự mình chăm sóc con. Ngoài ra, cũng theo khảo sát, duy chỉ có Việt Nam, ông nội đóng vai trò chủ chốt trong công việc nhà.
Lan Anh Hoang, một giảng viên chuyên nghiên cứu sự phát triển tại Đại học Melbourne - người từng thực hiện các cuộc phỏng vấn tại một vài làng quê ở Việt Nam, cho biết việc phụ nữ di cư ra nước ngoài không phải là yếu tố khiến gia đình tan vỡ.
Trên thực tế, đàn ông Việt Nam ở nông thôn "không ngại việc nhà. Họ luôn làm những công việc đó khi vợ vắng nhà." Bà khẳng định nhờ công cuộc vận động bình đẳng giới của chính phủ mà các cặp vợ chồng Việt Nam có được tư tưởng như trên.
Ông Pham Ngoc Thuy, một cán bộ ở làng Vũ Hội, đồng ý với nhận định của bà Lan Anh Hoang. "Tất nhiên tình trạng xuất khẩu lao động có những mặt tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông luôn chỉ đưa về những mặt tiêu cực. Chúng tôi tự hào về bình đẳng giới, và khi phụ nữ ra nước ngoài, chúng tôi sẵn sàng làm việc nhà", ông nói.
Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc quản lý lao động xuất khẩu tại Bộ Lao động, cho biết tổng số tiền mà tất cả người lao động ở nước ngoài gửi về Việt Nam là hơn 2 tỷ USD một năm. Đài Loan, Malaysia và Hàn Quốc là ba nước đứng đầu về số lượng người lao động từ Việt Nam.
Ông Trần Xuân Cương, một nông dân sống tại một làng gần Vũ Hội, đã dùng một phần số tiền mà vợ tiết kiệm (khoảng 170 triệu đồng) để xây lại nhà và đầu tư vào hoạt động chăn nuôi lợn, nấu rượu. Anh cho biết mặc dù 1 người hàng xóm đã sa ngã vào những tệ nạn xã hội nhưng anh không bị cám dỗ.
Anh nói phụ nữ cũng đã phải hy sinh rất nhiều khi từ bỏ con cái để kiếm tiền ở nước ngoài vì vậy "Đảm nhận vai trò làm cha, làm mẹ tuy rất khó, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vì đó là trách nhiệm của chúng tôi".
TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN 24/7
Bạn có thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ với cán bộ tư vấn
Hỗ trợ tư vấn 24/7 qua: Call, Message, Zalo, SMS
Nếu không tiện nói chuyện qua điện thoại hoặc nhắn tin ngay lúc này, bạn có thể YÊU CẦU GỌI LẠI bằng việc nhập số điện thoại vào form bên dưới để được cán bộ tư vấn của công ty liên lạc hỗ trợ.