Yakuaza – xã hội đen Nhật Bản ra đời cách đây khoảng 400 năm là một trong những băng đảng quyền lực, thâu tóm nền giải trí của Nhật Bản với nhiều vụ làm ăn đen tối, chi phối bằng tiền và máu.
Yakuza là ai?
Từ xa xưa, Nhật Bản đã có những băng nhóm hoạt động tự do, dùng kỹ năng chiến đấu của mình để kiếm sống. Họ có thể làm lính đánh thuê cho các lãnh chúa, bảo vệ trong những chuyến tàu buôn nhưng khi rảnh rỗi và không có người thuê, họ lại đi cướp bóc của các thương nhân, trộm ngựa. Trong những năm 1600, các thành viên băng đảng sẽ nhận nhiệm vụ duy trì an ninh trong khu vực họ quản lý. Đôi khi cũng có những cuộc giao chiến với các samurai của lãnh chúa nhưng không thường xuyên. Sau đó, đến những năm 1800, yakuza bắt đầu hoạt động quy mô hơn, họ lấn sân vào chính trị và đôi khi hợp tác với cảnh sát trong những vụ làm ăn lớn.
Sau Thế chiến II, tình hình Nhật Bản khi đó rất rối ren, các thành viên xã hội đen được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính quy. Những người đứng đầu doanh nghiệp tìm đến yakuza như một giải pháp để đảm bảo an ninh trong lúc làm ăn. Thậm chí, năm 1960, trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Eisenhower, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các ông trùm yakuza để mượn người, làm nhiệm vụ bảo vệ cho sự kiện này. Đến những năm 70, 80 của thế kỷ trước liên tiếp những vụ bê bối liên quan đến những quan chức tham nhũng với yakuza xảy ra.
Từ đó trở đi, thăng trầm của xã hội Nhật Bản cũng gắn liền với các băng nhóm yakuza. Mối quan hệ giữa quan chức và xã hội đen hết sức phức tạp, biến hóa liên tục được làm mới hoặc xóa xổ tùy theo lợi ích của từng bên. Đến thời điểm hiện nay, các băng nhóm yakuza đang phải đối mặt với khó khăn nhân lực thiếu thốn. Nhiều băng nhóm ở các thành phố lớn không thể tuyển dụng thành viên mới, với tài chính eo hẹp họ không đủ sức hút với các thanh niên thích hưởng thụ. Tuy nhiên, đó là khó khăn của những băng nhóm có quy mô nhỏ, hoạt động manh mún còn đối với các tập đoàn yakuza lớn mạnh, không những chi phối được một số vấn đề chính trị mà ngành công nghiệp giải trí cũng do một tay họ thâu tóm.
Yakuza và nền giải trí Nhật Bản
Theo Variety.com, trang tin chuyên về các thông tin giải trí cho biết, các băng nhóm yakuza Nhật đã điều hành ngành công nghiệp này từ sau Thế chiến II. Thông tin trên được Jake Adelstein, phóng viên điều tra có 12 năm kinh nghiệm của tờ Yomiuri Shimbun công bố. Mặc dù nhiều người vẫn cố gắng phủ nhận mối quan hệ giữa ngành giải trí và xã hội đen nhưng những chuyến phiêu lưu vào thế giới ngầm của Adelstein đã khẳng định điều ngược lại. Hình ảnh thường thấy về các thành viên yakuza Nhật. Mỗi băng nhóm sẽ đảm nhận nhiệm vụ duy trì an ninh cho một nhà hàng nào đó, đảm bảo không bao giờ bị quấy rầy bởi các băng khác và hàng tháng nhận tiền từ chủ nhà hàng. Đó là cách yakuza hoạt động trước đây trong lĩnh vực kinh doanh giải trí.Nhưng trong thời hiện đại, các hoạt động của yakuza quy củ và có phần bí mật hơn.
Thậm chí, phóng viên kỳ cựu Adelstein đã phải nhận xét: “Yakuza được xem như một thế lực ác cần thiết trong xã hội này. Năm 2008, tuần báo Shukan Shincho đã khiến cho độc giả Nhật Bản ‘choáng’ vì nói trong trận đánh golf kỷ niệm sinh nhật ông trùm băng Yamaguchi-gumi, băng yakuza được cho là quy mô nhất Nhật Bản, có đến 5 ca sĩ nổi tiếng đến ‘góp vui’. Theo giải thích của Adelstein, một trong những điều giúp yakuza và nền công nghiệp giải trí có mối quan hệ vững chắc đó là kỹ năng tống tiền của xã hội đen Nhật Bản rất giỏi. Bất kỳ công ty giải trí nào muốn cắt đứt quan hệ với các băng nhóm bảo kê của họ đều phải đối mặt với rủi ro lớn. Các băng đảng nắm rất rõ những thông tin nhạy cảm của giám đốc điều hành công ty hay về các ngôi sao của họ. Chỉ cần xảy ra khúc mắc giữa 2 bên, các thông tin này sẽ nhanh chóng được cung cấp cho cánh nhà báo và việc một công ty giải trí bị phá sản cũng chẳng lâu la gì.
Ở Nhật, kể từ khi bắt đầu đặt quan hệ với băng đảng yakuza, các công ty giải trí đã phải chấp nhận rủi ro này. Phát triển càng mạnh, càng cần dựa nhiều vào yakuza và đồng nghĩa với việc quan hệ mật thiết hơn, nhiều bí mật được chia sẻ hơn từ đó cũng ràng buộc nhau nhiều hơn. Sống chung lại loại bỏ? Hiện nay, việc yakuza làm ăn với các công ty giải trí tuy không được công khai nhưng ai cũng ngầm hiểu là có xảy ra. Taro Furuya, người đứng đầu bộ phận giải trí của đài NHK nói với truyền thông: “Chúng tôi không chấp nhận làm việc với những cá nhân có liên quan đến yakuza nhưng thực tế vẫn chưa thấy ai bị đuổi việc lý do này”. Điều đó chứng tỏ, vẫn có một sự thỏa thuận ngầm giữa các bên trong nền công nghiệp giải trí Nhật Bản. Hình ảnh về các vụ bê bối giữa yakuza với ngôi sao giải trí Nhật Bản trên báo. Tuy nhiên, điều này cũng đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ vì một số cá nhân cũng như doanh nghiệp bắt đầu thấy chán nản về mối quan hệ này. Takaharu Ando, Giám đốc cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản đã than phiền rằng, rất nhiều người nổi tiếng trong ngành giải trí nước này đang có mối quan hệ ‘sâu sắc’ với các băng đảng tội phạm có tổ chức. Ông cũng khẳng định cảnh sát sẽ làm mạnh tay hơn để giúp những nhân vật này cắt đứt được mối quan hệ với xã hội đen. Cụ thể, lực lượng cảnh sát Tokyo đã thành lập một nhóm đặc nhiệm gồm 50 thành viên, hoạt động bằng cách thâm nhập vào các băng nhóm để thăm dò sự liên kết với ngành giải trí nhằm đưa ra các kế hoạch tấn công, giải thoát cho các nhân vật nổi tiếng đang trong tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’.
Nguồn Zing News
TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN 24/7
Bạn có thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ với cán bộ tư vấn
Hỗ trợ tư vấn 24/7 qua: Call, Message, Zalo, SMS
Nếu không tiện nói chuyện qua điện thoại hoặc nhắn tin ngay lúc này, bạn có thể YÊU CẦU GỌI LẠI bằng việc nhập số điện thoại vào form bên dưới để được cán bộ tư vấn của công ty liên lạc hỗ trợ.